top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảChung Barca

NGHĨ GÌ VỀ VÔ NGHĨA



Có lẽ chỉ là một sự tình cờ, nhưng trong tháng vừa qua tôi đã gặp ít nhất ba thân chủ có cùng chung một vấn đề. Một bạn về hưu đã được một năm từ vị thế quản lý một ngân hàng ở Hà Nội. Một chị đã ngưng làm việc ở một tổ chức phi lợi nhuận. Và một bạn người nước ngoài là một CEO của một công ty đa quốc gia đang có chi nhánh tại Việt Nam.

Tất cả đều đối diện với một câu hỏi dường như “vô nghĩa” với số đông trong xã hội: Cuộc sống hay công việc này có một ý nghĩa nào không? Tôi làm việc quần quật 16 tiếng một ngày để làm gì? Tại sao tôi thấy tất cả mọi điều trong cuộc sống này đều vô nghĩa? Có lẽ khi nghe những câu hỏi này, một số bạn sẽ la lên, đó là câu hỏi của con nhà giàu, chỉ có những kẻ không phải lo toan mưu sinh cuộc sống hàng ngày thì mới nghĩ ngợi đến mức hoang mang hay thậm chí phiền muộn về những câu hỏi như vậy. Một số bạn có thể gật gù, đây là những câu hỏi triết học, cả thế giới và cả lịch sử nhân loại đã và đang cố gắng trả lời nó nhưng có lẽ đến bây giờ vẫn thất bại. Có bạn sẽ nghĩ đây là những câu hỏi về tôn giáo. Có bạn sẽ nghĩ đây là dấu hiệu của trầm cảm. Có thể nào tất cả nỗ lực phán đoán như trên đều đúng và đều sai?

Những người tôi gặp với các câu hỏi trên đã đến hoặc qua tuổi 50 và cũng điều trùng hợp họ đều là phụ nữ. Họ đã thành công trong cuộc sống. Đã dành cả một cuộc đời cho chồng con hoặc cho công việc. Không ai có thể phàn nàn điều gì về cuộc đời của họ. Nhưng đến một buổi sáng họ thức giấc với câu hỏi đó xuất hiện trong đầu. Có thể sự bất an đã tiềm ẩn đâu đó trong một ngóc ngách của tâm thức chứ không phải buổi sáng hôm đó. Cái đều đặn, nhàn nhạt, vô vị của những ngày tháng lập đi lập lại có lẽ đã được cảm nhận từ đâu đó lâu lắm rồi.

Khi chia tay tôi, người bạn đời 37 năm của tôi đã nói, “Suốt cuộc đời em sống chỉ để đáp ứng với những thay đổi của anh, đến nỗi bây giờ em vẫn không biết em là ai.” Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cũng thế. Chúng ta sống chỉ để đáp ứng người khác. Lúc nhỏ là cha mẹ, lớn lên là thầy cô, lớn chút nữa là chồng vợ, rồi sau đó là con cháu. Rồi còn xã hội, trực tiếp như bạn cùng trường hay ban đồng nghiệp, hoặc gián tiếp như một quan điểm hay một giá trị sống nào đó trong một cuốn kinh sách hay thậm chí một status trên trang FB của một người nổi tiếng nào đó. Chúng ta mang vác tất cả giá trị rồi tín điều rồi kỳ vọng của người khác vô tình hay hữu ý áp đặt lên lưng đã oằn xuống của chúng ta.

Nói theo Nietzsche thì chúng ta là những con lạc đà. Con lạc đà tự hào với những gánh nặng mang tên “nghĩa vụ” người khác quẳng lên lưng của nó: phải lễ phép, phải có đức tin, phải vào đại học, phải có công ăn việc làm, phải lấy chồng lấy vợ, phải có con, phải có cơm canh tươm tất, phải đi làm kiếm tiền, phải. . . phải. . . Con lạc đà không bao giờ đặt câu hỏi về những kiện hàng mà gia đình và xã hội vất lên lưng nó. Nó chỉ muốn chứng tỏ sức mạnh và thậm chí quyền lực của nó bằng cách phục tùng. Nhưng con lạc đà sẽ không mãi thân phận lạc đà, vì trong tâm thức của nó vốn đã có mầm sư tử lẫn trẻ thơ, hai hóa thân sau mà Nietzsche đã từng nhắc đến.

Mỗi câu hỏi thách đố những giá trị và định hướng, mà lâu nay chúng ta cứ tưởng là trùng dương mênh mông nay mới thấy là đường ray lối mòn xã hội, chính là những câu hỏi hiện sinh [existential question]. Trong đó câu hỏi cơ yếu nhất sẽ là “Ý nghĩa của sự hiện hữu của tôi là gì?” và để rồi nhức nhối hơn, “Tôi sống để làm gì?” Đối với tôi, mỗi khủng hoảng trong đời sống đẩy chúng ta vào cõi hoang mang chính là một cơ hội để chúng ta chuyển hóa. Chuyển hóa để trưởng thành. Trưởng thành để sống ý nghĩa, bình an, và hạnh phúc hơn.

Nếu có một cái gọi là khủng hoảng tuổi thiếu niên khi đứa trẻ bắt đầu phủ nhận những giá trị và định hướng mà cha mẹ đặt cho để bắt đầu thăm dò và tiếp nhận những giá trị xã hội, đặc biệt thông qua nhà trường và sau này là sở làm, thì cũng có một giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên, khi chúng ta bắt đầu tra vấn về những giá trị và định hướng của xã hội, văn hóa, quốc gia, chính quyền, etc. mà đã một thời chúng ta hăng hái hân hoan hồ hỡi chất lên đầu gục cúi, nhét vào tim tù hãm. Vì vậy không hỏi thì còn sống thân phận lạc đà hay thậm chí không còn sống. Những xác-sống hay người-chết.

Chúng ta có quyền sống cho chúng ta. Đừng nhân danh những giá trị cao đẹp nhưng vốn sáo mòn để giam hãm chính mình hay người khác. Trong nhà tù do chúng ta tự tạo ra đó, chúng ta sẽ chết mỏi mòn trong cơn trầm cảm vô nghĩa. Nó vô nghĩa vì nó là câu trả lời của người khác đưa cho chúng ta chứ không phải câu trả lời chính chúng ta chứng nghiệm trên tiến trình chiêm nghiệm.

Chúng ta có quyền hỏi. Hỏi để hóa thân thành sư tử và cuối cùng để trở thành trẻ thơ, như nhiên hân hưởng cuộc sống này.

TS LÊ NGUYÊN PHƯƠNG

14 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page