top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảChung Barca

NHỮNG ĐƯỜNG CONG KHÁC CỦA MỸ



Bất cứ phụ huynh nào ở Mỹ chắc cũng nhận được email thông báo việc chương trình cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh vẫn không bị gián đoạn dù nhà trường đóng cửa. Email ghi rõ địa điểm, với cả bản đồ, hướng dẫn phụ huynh có thể đến để nhận suất ăn (“grab and go” - đến lãnh rồi đi). Những email nhắc nhở như vậy được gửi hàng ngày. Chỉ riêng Học khu Los Angeles (học khu lớn thứ hai tại Mỹ), mỗi ngày trung bình 400.000 suất “grab and go” được phát tại 60 địa điểm…

Tại một cây xăng Exxon gần Trung tâm y tế Detroit, người ta thấy Allen Marshall cầm tấm bảng “Đổ xăng miễn phí cho y tá”. Marshall dùng 900 USD tiết kiệm (định mua một thiết bị mài dao) để đổ xăng cho các y tá nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với những người làm việc trong bộ máy y tế những ngày này… Đầu tháng 4-2020, ít nhất 82.000 nhân viên y tế từ khắp nước Mỹ, hầu hết nghỉ hưu, đã tình nguyện lên đường đến New York tiếp cứu đồng nghiệp… Một đêm thứ năm, nhà báo Shea Serrano ngồi nhà xem tivi. Không thể chịu nổi cảm giác đau xót khi xem các bản tin tường thuật tình trạng nhiều công nhân lương thấp bị giạt ra ngoài trong cơn lốc sa thải bởi trận đại dịch, thế là anh viết một mẩu tweet kêu gọi cộng đồng giúp. Vài ngày sau, quyên góp được 10.000 USD, anh gửi trực tiếp đến những người đang gặp khó khăn… Những trường hợp cá nhân như trên khó có thể kể hết và gần như ngày nào cũng có các câu chuyện mới nối tiếp trong chuỗi những đường cong nhân ái đang tăng tỷ lệ thuận với “đường cong dịch bệnh”. Xét ở góc độ nào đó, phản ứng từ lòng trắc ẩn cá nhân chưa bao giờ hiếm đối với bất kỳ quốc gia nào đang gánh chịu một thảm họa. Điều đáng quan sát hơn là sự vận hành mang tính hệ thống và cách thức phản hồi tạo ra các hệ thống để vận hành ứng cứu. Điều này giúp cho thấy xã hội đó có thật sự bị “vỡ” hay không. Bắt nguồn từ một nhu cầu thực tế: nhà trường đóng cửa và sinh hoạt gia đình xáo trộn khi giới bác sĩ-y tá phải tạm rời nhà và làm việc bất kể giờ giấc trong bệnh viện, thế là một nhóm sinh viên y khoa ở Minneosta nảy ra ý tưởng: phải giúp gia đình bác sĩ-y tá trong khi những người này đang giúp cộng đồng đối mặt dịch bệnh. Cuối cùng, một tổ chức ra đời, mở rộng khắp tiểu bang Minneosta, gồm sinh viên y khoa, tình nguyện làm gần như tất cả những gì có thể để giúp gia đình y bác sĩ, từ trông trẻ, mua thực phẩm đến thậm chí chăm sóc chó mèo. Tổ chức MN Covidsitters hiện có hơn 350 thành viên tự nguyện, giúp cho hơn 100 y bác sĩ rải rác tiểu bang. Ý tưởng MN Covidsitters đang lan rộng khắp Mỹ. Sinh viên Đại học Harvard, Đại học New York, Đại học Columbia… đã nhanh chóng lập mô hình tương tự. MN Covidsitters là một trong vô số nhóm thiện nguyện xuất hiện khắp nước Mỹ từ khi đại dịch ập vào: nhóm giúp người già, nhóm giúp người vô gia cư, nhóm quyên góp thực phẩm, nhóm nấu ăn cho học sinh nghèo, nhóm phát thức ăn… Các tổ chức có sẵn dĩ nhiên cũng tăng tốc hoạt động. “Boys & Girls Clubs of America” gây quỹ cung cấp nhu yếu phẩm cho những đứa trẻ đang tham gia trong hơn 2.500 câu lạc bộ của họ; chưa kể việc hỗ trợ học từ xa cùng các hoạt động giải trí trực tuyến cho các em. “Feeding America”, với mạng lưới 200 ngân hàng thực phẩm và 60.000 cơ sở nấu ăn, cũng kêu gọi góp quỹ phản hồi để hỗ trợ những cộng đồng bị tấn công nặng nhất bởi dịch bệnh. “Feed the Children” kêu gọi đóng góp thực phẩm. “First Book” kêu gọi giúp chuyển 7 triệu quyển sách cho những em sống tại các khu vực khó tiếp cận internet hoặc để xây dựng tủ sách gia đình nhằm duy trì việc đọc tại nhà. Tổ chức “Lawyers for Good Government Foundation” giúp hàng ngàn người tỵ nạn tại các trại tỵ nạn sát biên giới Mỹ và tại các trại tạm giam. “Meals on Wheels” giúp giao thức ăn cho người già. Danh sách các tổ chức như vậy còn dài và thậm chí rất dài… Chỉ riêng New York City, tờ New York Post ngày 3-4-2020 cho biết, bất kỳ cư dân nào đối mặt với tình trạng thiếu ăn cũng được cung cấp ba bữa mỗi ngày tại 435 địa điểm trường học công. Các địa điểm “grab and go” này mở cửa cho học sinh và phụ huynh hàng ngày. Chỉ cần đến lấy thức ăn rồi đi. Không cần bất kỳ giấy tờ tùy thân nào hoặc phải điền đơn điền từ gì cả. “Chúng tôi biết dân đang khổ” – thị trưởng New York City Bill de Blasio nói – “Chúng tôi không muốn ai phải chịu đói. Do đó, có 435 địa điểm. Không chỉ dành cho trẻ em mà cả người lớn. Ai đói cứ đến nhận thức ăn”. Một cách tổng quát, làm sao để giải quyết hai vấn đề cấp thiết - cái ăn và chỗ ở - đang là quan tâm hàng đầu của nước Mỹ những ngày sống với trận đại dịch. Chính quyền làm việc chính quyền. Những tổ chức phi chính phủ làm theo cách của họ. Các cá nhân làm theo cách riêng trong khả năng có thể. Với nước Mỹ những ngày này, chỉ đề cập bức tranh khủng hoảng với hình ảnh duy nhất là “đường cong tử vong”, hoặc những câu chuyện thiếu hụt thiết bị trong hệ thống y tế chẳng hạn, là chưa đầy đủ, nếu bên cạnh đó không nhắc đến sự ứng phó của các hệ thống xã hội. Cuộc khủng hoảng càng nghiêm trọng càng làm nổi lên giá trị đóng góp của các hệ thống và tổ chức trong vô số mô hình cộng đồng. Cho đến giờ, những gì đang diễn ra cho thấy, hệ thống các giá trị giúp định hình dân tộc Mỹ vẫn đủ mạnh để đương đầu với thảm họa dịch bệnh. Hệ thống y tế Mỹ đang thiếu máy trợ thở nhưng nước Mỹ vẫn còn đủ giá trị nhân bản để tạo nên những đường cong được nâng lên bởi sự gắn kết bằng nhân ái cũng như bởi cá tính hiếm khi dễ dàng chịu đầu hàng của người Mỹ.

Tác Giả: Manh Kim

4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page