top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảChung Barca

SÁU THÀNH PHẦN, 4 TRỤ CỘT(Hệ thống phòng chống tham nhũng hiệu quả nhất thế giới)



Tham nhũng ở Singapore đã trầm trọng từ thời thuộc địa Anh, lại nặng nề thêm dưới thời Nhật chiếm đóng, và tiếp tục tràn lan dưới thời Thủ hiến Lâm Hữu Phúc (1956-1959).

Ý thức sâu sắc về sứ mệnh xây dựng một chính phủ trong sạch, có đạo đức, Lý Quang Diệu và đảng Hành động Nhân dân (PAP) đã đưa sự lãnh đạo có đạo đức, không tham nhũng trở thành vấn đề cốt lõi trong trong chiến dịch tranh cử năm 1959 và họ đã thắng cử.

Nhận thấy tham nhũng tràn lan ở Singapore bởi vì vô số yếu tố, bao gồm lương thấp, lạm phát cao, luật không đầy đủ, không đủ nhân lực trong việc chống cơ quan tham nhũng, xác xuất bị bắt thấp, sự chênh lệch thu nhập giữa khu vực công và tư nhân, thiếu các cam kết gữa cán bộ thực thu, vv. Ngay sau khi lên cầm quyền, Lý Quang Diệu đã thiết kế một hệ thống phòng chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả, nó là sự kết hợp của 6 thành phần bao gồm một ý chí chính trị mạnh mẽ, dựa trên 4 trụ cột là luật pháp hiệu quả, tư pháp độc lập, thực thi hiệu quả và dịch vụ công thuận tiện - hạn chế tham nhũng, đảm bảo loại bỏ tham nhũng bất cứ khi nào nó xẩy ra (xem hình vẽ).

Ý CHÍ CHÍNH TRỊ MẠNH MẼ

Lý Quang Diệu và đảng PAP thể hiện ý chí chính trị mạnh mẽ quyết tâm xây dựng một quốc gia trong sạch, không tham nhũng bằng việc tuyên bố sứ mệnh thành lập một chính phủ trong sạch và có đạo đức, với đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ, công bằng và chính trực, những người có sức mạnh đạo đức, được người dân tín nhiệm và tôn trọng.

Để thể hiện sự thống nhất, đoàn kết của chính phủ trong việc chống tham nhũng, tất cả các dịp tiệc tùng trang trọng toàn bộ lãnh đạo chính phủ đều mặc đồng phục màu trắng - áo sơ mi trắng, quần trắng, như là biểu tượng cho sự trong sạch.

Chính những người lãnh đạo chính trực này là những người xây dựng lên bộ luật chống tham nhũng, cục phòng chống tham nhũng và nền tư pháp độc lập, 3 trong 4 trụ cột của hệ thống phòng chống tham nhũng, đảm bảo loại bỏ tham nhũng bất cứ khi nào nó xẩy ra.

LUẬT PHÁP, TƯ PHÁP VÀ THỰC THI HIỆU QUẢ

Ngay khi dành quyền lãnh đạo đất nước, ngày 17-06-1956, Singapore đã ban hành đạo luật Phòng chống Tham nhũng (PCA) và thành lập Cục Phòng chống tham nhũng (CPIB).

CPIB là cơ quan trực thuộc thủ tướng, báo cáo trực tiếp thủ tướng, được trao quyền rất cao với nguyên tắc là không ai được miễn nhiễm, bất kể cấp bậc, thâm niên và liên kết chính trị. CPIB được tổ chức rất gọn nhẹ, chỉ bao gồm hai lực lượng là điều tra và tiếp nhận xử lý thông tin. Các điều tra viên là những người có nghiệp vụ, tài năng và chính trực, họ được trao quyền rất cao. Bộ phận tiếp nhận thông tin chấp nhận xử lý cả đơn thư nặc danh.

Cơ quan tư pháp của Singapore là cơ quan tư pháp độc lập, cách nhiệt khỏi sự can thiệp chính trị. Chánh án được Tổng thống bổ nhiệm theo lời khuyên từ Thủ tướng và Hội đồng Cố vấn của Tổng thống.

DỊCH VỤ CÔNG HẠN CHẾ THAM NHŨNG

Tất cả các giao dịch giữa viên chức nhà nước với người dân, doanh nghiệp được qui định trong bộ qui tắc ứng xử, quy định các tiêu chuẩn hành vi cao dựa trên các nguyên tắc liêm chính, không liêm chính và minh bạch.

Với qui tắc ứng xử này thì các viên chức nhà nước không gặp trực tiếp cá nhân, doanh nghiệp, các chủ đầu tư cũng không gặp các nhà thầu ở bên ngoài văn phòng, việc nhận quà cáp bằng bất cứ hình thức nào, kể cả việc mời ăn miễn phí hoặc trả ơn bằng tình cảm cũng bị nghiêm cấm.

Việc ứng dụng CNTT để tất cả các giao dịch giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp đều online, đấu thầu điện tử đã tạo nên nền dịch vụ công minh bạch, hạn chế tối đa tham nhũng, làm cho viên chức không có cơ hội tham nhũng.

THU NHẬP CÔNG CHỨC VÀ ĐẠO ĐỨC

Ngoài 4 trụ cột, Lý Quang Diệu còn làm thêm 2 việc: cải cách chế độ tiền lương của công chức và giáo dục đạo đức cho công dân, đây chính là 2 thành phần không có trong bất cứ sơ đồ hệ thống phòng chống tham nhũng nào trên thế giới, nhưng lại đặc biệt quan trọng.

Để đảm bảo có một đội ngũ quan chức tài năng, trong sạch và trung thực, Lý Quang Diệu đã cải cách chế độ tiền lương sao cho thu nhập của họ tiếp cận những người đồng cấp của họ trong khu vực tư nhân (trung bình của 6 ngành nghề có thu nhập cao nhất). Ví dụ lương của Thủ tướng Singapore là 1 triệu USD, cao gấp 2.5 lần lương của Tổng thống Mỹ.

Việc giáo dục đạo đức ở Singapore lấy nền tảng là gia đình, trẻ em được giáo dục từ những năm đầu đời dựa trên các giá trị vĩnh cửu của Nho giáo như trung thực, chính trực, chân thành, chăm chỉ, cần cù, tiết kiệm, hiếu thảo với cha mẹ, trung thành với đất nước, nhưng lại xoá bỏ những điểm yếu như thiên vị, nghĩa vụ phải giúp đỡ người thân và tham nhũng.

Tác Giả: Đỗ Cao Bảo

28 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page